Sốt phát ban là một loại bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé, nếu ba mẹ nhận biết sớm và chăm sóc đúng cách. Con Cưng đã tổng hợp đầy đủ các thông tin để ba mẹ có thể xử trí tốt bệnh lý này cho bé. Theo dõi ngay nhé!
Trẻ bị sốt phát ban thường hay quấy khóc, cảm giác mệt mỏi và lờ đờ (Hình internet)
Sốt phát ban ở trẻ là gì?
Sốt phát ban là một loại bệnh truyền nhiễm lành tính. Bệnh do virus gây ra với dấu hiệu điển hình là sốt và không lâu sau thì bắt đầu xuất hiện những nốt ban hồng trên da. Trẻ nằm trong độ tuổi từ 6 đến 36 tháng thường bị sốt phát ban.
Theo nhiều nghiên cứu lý giải, sức đề kháng của trẻ từ 6 - 36 tháng vẫn còn non nớt và yếu kém. Do đó, trẻ dễ bị virus xâm nhập và gây ra tình trạng nổi ban đỏ. Dấu hiệu nổi ban đỏ không chỉ là dấu hiệu của bệnh sốt phát ban, mà còn của một số các bệnh khác như: sởi, Rubella (sởi Đức), virus đường ruột ECHO,... Bệnh thường hiếm gặp ở trẻ trên 4 tuổi.
Là giai đoạn sau khi trẻ sốt, phát ban thường khiến da trẻ đỏ ửng lên và rát nhẹ (Hình internet)
Trẻ bị sốt phát ban có lây không?
Sốt phát ban là một loại bệnh dễ lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là ở môi trường nhà trẻ và trường học. Phần lớn trẻ bị nhiễm sốt phát ban khi đi nhà trẻ. Bởi, môi trường này rất thuận lợi cho việc lây bệnh. Nguyên lý lây bệnh rất đơn giản, chỉ cần phát tán nước bọt chứa virus bệnh là bé đã có nguy cơ nhiễm bệnh.
Một số biến chứng từ bệnh sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban ở trẻ được đánh giá là loại bệnh đơn giản và thường gặp. Tuy nhiên, bệnh vẫn có nguy cơ gây ra khá nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu ba mẹ không biết cách xử lý và chăm sóc bé. Một số biến chứng phổ biến nếu để bệnh sốt phát ban ở trẻ trở nặng như: viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu, viêm não,...
Nguyên nhân gây bệnh sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban là bệnh do nhiễm một loại virus lành tính gây ra. Loại virus này có khả năng lây người sang người, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh trước đó. Bệnh thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày và có xu hướng tự hết, nếu ba mẹ phát hiện sớm và chăm sóc tốt cho bé. Theo đó, dưới đây sẽ là một số dấu hiệu giúp ba mẹ sớm nhận biết tình trạng sốt phát ban ở trẻ.
Dấu hiệu trẻ bị bệnh sốt phát ban
. Ở giai đoạn chưa phát ban: Trẻ thường cảm thấy khó chịu, mệt người, sốt nhẹ và quấy khóc không như mọi khi.
. Ở giai đoạn phát ban: Sau khoảng 2-3 ngày khó chịu và sốt nhẹ, bé sẽ bắt đầu bị nổi ban. Thông thường, những nốt ban đỏ sẽ xuất hiện ở vùng mặt trước, sau đó lan dần xuống cổ và xuống đến ngực, bụng, rồi khắp người.
Trong giai đoạn này, bé còn có thể bị tiêu chảy, hoặc chỉ dừng lại là phân hơi lỏng. Nhìn chung, giai đoạn phát ban thường kéo dài không quá 5 ngày, sau đó sẽ tự hết nếu bé được ba mẹ chăm sóc chu đáo và điều trị đúng cách.
Mặt, cổ, lưng là những nơi đầu tiên mà ban sẽ xuất hiện (Hình internet)
. Ở giai đoạn sau phát ban: Hầu hết ban do sốt gây ra sẽ không để lại các vết thâm trên da của bé. Chỉ những bệnh do nhiễm khuẩn hay do sởi thì ba mẹ mới lo nguy cơ sẹo trên da bé.
Một lưu ý trong giai đoạn này là ba mẹ vẫn cần chăm sóc chu đáo cho bé. Hạn chế cho bé ra ngoài, mà hãy để bé hồi phục hẳn. Nếu ba mẹ quá vội vàng để bé thoải mái ra ngoài, không khí lạnh và môi trường ô nhiễm rất có thể khiến bé bệnh lại. Cơ thể khi mắc bệnh liên tục sẽ khiến bé gặp nhiều rủi ro rất nguy hiểm.Để biết cách chăm sóc và xử trí tình trạng sốt phát ban ở trẻ như thế nào, Con Cưng mời ba mẹ tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà
. Theo dõi nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ khi cần thiết. Ba mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt dạng đặt hậu môn cho trẻ em.
. Nếu bé sốt cao và sốt liên tục, ba mẹ có thể cho bé uống paracetamol liều 10mg – 15/1kg/lần, cách nhau ít nhất 6 tiếng.
. Liên tục chườm ấm cho trẻ, nhưng không quá 10 phút/giờ.
. Cho bé uống nước lọc, nước gừng, soda chanh, những loại nước khoáng, oresol để phòng mất nước.
. Nới lỏng quần áo để tránh gây cảm giác khó chịu vì những nốt ban nổi trên da trẻ.
. Luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ dùng tay gãi lên vùng đang nổi ban để tránh nguy cơ gây thẹo thâm.
. Thận trọng khi tắm rửa. Khi bị sốt phát ban, cơ thể bé còn rất yếu. Vì vậy, ba mẹ nên hạn chế tắm rửa cho con. Tốt nhất là chỉ nên lau nhẹ người để con cảm thấy dễ chịu.
. Sau khi đã bù đầy đủ nước điện giải và hạ sốt cho trẻ em, ba mẹ cần tiếp tục theo dõi. Nếu tình trạng sức khỏe của bé tiến triển xấu, thì ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa trị.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban ba mẹ cần biết
. Không cho trẻ em ăn uống một số loại thực phẩm sau: trứng, thực phẩm khó tiêu, nước lạnh, kem,...
. Liên tục theo dõi thân nhiệt của trẻ để có quyết định và hướng điều trị nhanh chóng, đúng thời điểm.
. Nếu thân nhiệt của trẻ trên 39,5°C, ba mẹ nên đưa trẻ vào cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo an toàn cho con.
. Sức khỏe của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng vẫn còn rất yếu. Ba mẹ nên tham khảo bác sĩ hướng xử trí hoặc có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện trẻ bị sốt.
Trên đây là những thông tin về sốt phát ban ở trẻ mà Con Cưng đã tìm hiểu và tổng hợp được. Con Cưng hy vọng bài viết này sẽ có thể giúp ích cho ba mẹ khi điều trị và chăm sóc cho bé bị sốt phát ban. Vẫn còn rất nhiều thông tin hữu ích khác giúp ba mẹ chăm sóc bé, ba mẹ nhớ thường xuyên theo dõi website www.concung.com hoặc dùng App Con Cưng để cập nhật nhé! Đây cũng là 2 kênh giúp ba mẹ mua sắm online tại Con Cưng được nhanh chóng và thuận tiện hơn.