Từ ngày 1/1/2026, theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ năm 2024, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe và bắt buộc phải trang bị thiết bị an toàn phù hợp. Đây là quy định mới nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông, giảm nguy cơ chấn thương khi xảy ra tai nạn.
Đây là quy định mới nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông, giảm nguy cơ chấn thương khi xảy ra tai nạn
Quy định mới
Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe.
Theo đó, căn cứ tại khoản 3 Điều 6 thì người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng:
. Điều 6 - Khoản 3 - điểm m) Chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định;
. Điều 27 - Khoản 1 - điểm b) Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học không có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc không có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Thiết bị an toàn cho trẻ em là thiết bị có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho trẻ em ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô
"Thiết bị an toàn cho trẻ em là thiết bị có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho trẻ em ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe ô tô giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ em". (Theo khoản 13 Điều 2 Luật an toàn giao thông đường bộ năm 2024).
Vì sao cần tuân thủ quy định mới?
Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và cho trẻ em ngồi ở hàng ghế sau có thể giảm đáng kể nguy cơ thương tích và tử vong trong các vụ tai nạn giao thông, bởi các lí do sau đây:
Trẻ em có cấu trúc xương chưa phát triển hoàn thiện nên nếu không có thiết bị hỗ trợ, dây an toàn trên xe sẽ không thể bảo vệ tối ưu. Hệ thống dây an toàn trên xe ô tô được thiết kế cho người lớn (trung bình cao từ 1,5 mét trở lên). Trẻ em thấp hơn 1,35 mét khi thắt dây an toàn có thể bị dây thắt ngang cổ hoặc ngực, gây nguy hiểm khi va chạm. Ngoài ra, trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị trượt khỏi dây đai hoặc bị tổn thương do lực siết quá mạnh khi phanh gấp hoặc tai nạn xảy ra. Do đó, việc sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em (ghế chuyên dụng cho trẻ nhỏ, ghế nâng booster cho trẻ lớn hơn) giúp trẻ có tư thế ngồi phù hợp, đảm bảo dây an toàn hoạt động hiệu quả, giảm nguy cơ chấn thương khi tai nạn xảy ra.
Thêm nữa, túi khí phía trước được thiết kế để bảo vệ người lớn, nhưng khi bung ra với lực mạnh, nó có thể gây chấn thương nghiêm trọng cho trẻ em, đặc biệt là vùng đầu và cổ. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ ngồi ghế trước có nguy cơ tử vong cao hơn so với ngồi ghế sau khi xảy ra tai nạn.
Trẻ em ngồi ghế trước có thể hiếu động, gây mất tập trung cho tài xế khi lái xe. Điều này làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Khi ngồi ghế sau, trẻ sẽ an toàn hơn và tài xế có thể tập trung điều khiển xe tốt hơn.
Các loại thiết bị an toàn phù hợp với từng độ tuổi
Ba mẹ cần lựa chọn thiết bị phù hợp theo độ tuổi, cân nặng và chiều cao của bé:
- Trẻ dưới 1 tuổi: Sử dụng ghế nôi (infant car seat) có dây đai bảo vệ, lắp ngược chiều ghế lái để giảm tác động khi va chạm.
- Trẻ từ 1 đến 4 tuổi: Dùng ghế chuyên dụng (convertible car seat) có hệ thống dây đai năm điểm, đảm bảo bé ngồi vững và được bảo vệ tối đa.
- Trẻ từ 4 đến 6 tuổi: Chọn ghế nâng (booster seat) kết hợp với dây an toàn trên ô tô để điều chỉnh vị trí dây đai phù hợp với vóc dáng của bé.
- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi (22 – 36kg): Sử dụng đệm nâng (booster cushion) để giúp dây an toàn ô tô vừa vặn với trẻ.
Chọn ghế nôi (infant car seat) có dây đai bảo vệ cho trẻ dưới 1 tuổi và lắp ngược chiều ghế lái để giảm tác động khi va chạm
Tiêu chí lựa chọn thiết bị an toàn đạt chuẩn
Khi chọn mua thiết bị an toàn cho bé, ba mẹ cần lưu ý:
- Chứng nhận an toàn: Ba mẹ nên chọn sản phẩm có giấy chứng nhận an toàn như R44, R129, i-size... của châu Âu, hoặc chứng nhận FMVSS 213 của Mỹ.
- Chất liệu chắc chắn: Kiểm tra phần khung ghế, đệm mút hấp thụ lực có đạt chất lượng hay không.
- Dễ dàng lắp đặt: Ưu tiên ghế có hệ thống ISOFIX giúp cố định chắc chắn trên xe.
- Tính linh hoạt: Chọn sản phẩm có thể điều chỉnh kích thước phù hợp với sự phát triển của bé.
Lưu ý khi sử dụng thiết bị an toàn
- Luôn thắt dây an toàn đúng cách, đảm bảo không quá lỏng hoặc quá chật.
- Kiểm tra định kỳ tình trạng của ghế ngồi để đảm bảo an toàn.
- Trẻ em không nên ngồi ghế trước để tránh nguy hiểm khi túi khí hoạt động.
Ba mẹ hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ để đảm bảo an toàn tối đa cho bé yêu nhé!